Quy tăc ứng xử trong trường mầm non Hoa Hồng Thành phố Điện Biên phủ

Thứ hai - 22/04/2019 22:02
Quy tắc ứng xử văn hóa của trường áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hợp đồng (gọi chung là viên chức) đang công tác trong trường mầm non số Hoa Hồng. được áp dụng từ ngày 01/6/2019
Chi bộ nhiệm kỳ 2017-2020
Chi bộ nhiệm kỳ 2017-2020
PHÒNG GD-ĐT  TP ĐIỆN BIÊN PHỦ
  TRƯỜNG MẦM NON HOA HỒNG
¯¯¯¯¯¯¯¯¯
SỐ… / QT-TRMNHH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
                Mường Thanh, ngày...   tháng 4 năm 2019

  QUY TẮC NG XỬ  VĂN HÓA TRONG NHÀ TRƯỜNG
ĐƠN VỊ: TRƯỜNG MẦM NON HOA HỒNG
QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
1- Quy tắc ứng xử văn hóa của trường áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hợp đồng (gọi chung là viên chức) đang công tác trong trường mầm non số Hoa Hồng.
2- Viên chức ngoài việc thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa của nhà trường tại văn bản này còn phải thực hiện nghiêm túc Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước theo thông tư 06 Thông tư của BGD& ĐT ngày 12/4/2019 về QUY ĐỊNH QUY TẮC ỨNG XỬ TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON; CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG; CƠ SỞ GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục).
2. Thông tư này áp dụng đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học, cha mẹ người học trong các cơ sở giáo dục, gồm: Nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập, trường, lớp mẫu giáo độc lập, trường mầm non (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non); trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường dành cho người khuyết tật (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông); cơ sở giáo dục thường xuyên và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Mục đích xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục
1. Điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục; ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục.
2. Xây dựng văn hóa học đường; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
Điều 3. Nguyên tắc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục
1. Tuân thủ các quy định của pháp luật; phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc.
2. Thể hiện được các giá trị cốt lõi: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình.
3. Bảo đảm định hướng giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, phát triển phẩm chất, năng lực của người học; nâng cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục.
4. Dễ hiểu, dễ thực hiện; phù hợp với lứa tuổi, cấp học và đặc trưng văn hóa mỗi vùng miền.
5. Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội dung Bộ Quy tắc ứng xử phải được thảo luận dân chủ, khách quan, công khai và được sự đồng thuận của đa số các thành viên trong cơ sở giáo dục.
NỘI DUNG QUY TẮC ỨNG XỬ
Điều 4. Quy tắc ứng xử chung
1. Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, của công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học.
2. Thực hiện lối sống lành mạnh, tích cực, quan tâm chia sẻ và giúp đỡ người khác.
3. Bảo vệ, giữ gìn cảnh quan cơ sở giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, xanh, sạch, đẹp.
4. Cán bộ quản lý, giáo viên phải sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp với môi trường và hoạt động giáo dục; nhân viên phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục và tính chất công việc; người học phải sử dụng trang phục sạch sẽ, gọn gàng phù hợp với lứa tuổi và hoạt động giáo dục; cha mẹ người học và khách đến trường phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục.
5. Không sử dụng trang phục gây phản cảm.
6. Không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, chất cấm trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật; không tham gia tệ nạn xã hội.
7. Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.
8. Không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rối, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác.
9. Không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể.
Điều 5. Ứng xử của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục
1. Ứng xử với người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu; yêu thương, trách nhiệm, bao dung; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, lắng nghe và động viên, khích lệ người học. Không xúc phạm, ép buộc, trù dập, bạo hành.
2. Ứng xử với giáo viên, nhân viên: Ngôn ngữ chuẩn mực, tôn trọng, khích lệ, động viên; nghiêm túc, gương mẫu, đồng hành trong công việc; bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và phát huy năng lực của giáo viên và nhân viên; đoàn kết, dân chủ, công bằng, minh bạch. Không hách dịch, gây khó khăn, xúc phạm, định kiến, thiên vị, vụ lợi, né tránh trách nhiệm hoặc che giấu vi phạm, đổ lỗi.
3. Ứng xử với cha mẹ người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, tôn trọng, hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ, thân thiện. Không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà, vụ lợi.
4. Ứng xử với khách đến cơ sở giáo dục: Ngôn ngữ chuẩn mực, tôn trọng, lịch sự, đúng mực. Không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà.
Điều 6. Ứng xử của giáo viên
1. Ứng xử với người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
2. Ứng xử với cán bộ quản lý: Ngôn ngữ tôn trọng, trung thực, cầu thị, tham mưu tích cực và thể hiện rõ chính kiến; phục tùng sự chỉ đạo, điều hành và phân công của lãnh đạo theo quy định. Không xúc phạm, gây mất đoàn kết; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cán bộ quản lý.
3. Ứng xử với đồng nghiệp và nhân viên: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, thân thiện, cầu thị, chia sẻ, hỗ trợ; tôn trọng sự khác biệt; bảo vệ uy tín, danh dự và nhân phẩm của đồng nghiệp, nhân viên. Không xúc phạm, vô cảm, gây mất đoàn kết.
4. Ứng xử với cha mẹ người học: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, tôn trọng, thân thiện, hợp tác, chia sẻ. Không xúc phạm, áp đặt, vụ lợi.
5. Ứng xử với khách đến cơ sở giáo dục: Ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng. Không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà.
Điều 7. Ứng xử của nhân viên
1. Ứng xử với người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, tôn trọng, trách nhiệm, khoan dung, giúp đỡ. Không gây khó khăn, phiền hà, xúc phạm, bạo lực.
2. Ứng xử với cán bộ quản lý, giáo viên: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, tôn trọng, hợp tác; chấp hành các nhiệm vụ được giao. Không né tránh trách nhiệm, xúc phạm, gây mất đoàn kết, vụ lợi.
3. Ứng xử với đồng nghiệp: Ngôn ngữ đúng mực, hợp tác, thân thiện. Không xúc phạm, gây mất đoàn kết, né tránh trách nhiệm.
4. Ứng xử với cha mẹ người học và khách đến cơ sở giáo dục: Ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng. Không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà.
Điều 8. Ứng xử của người học trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên
1. Ứng xử với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên: Kính trọng, lễ phép, trung thực, chia sẻ, chấp hành các yêu cầu theo quy định. Không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm, bạo lực.
2. Ứng xử với người học khác: Ngôn ngữ đúng mực, thân thiện, trung thực, hợp tác, giúp đỡ và tôn trọng sự khác biệt. Không nói tục, chửi bậy, miệt thị, xúc phạm, gây mất đoàn kết; không bịa đặt, lôi kéo; không phát tán thông tin để nói xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người học khác.
3. Ứng xử với cha mẹ và người thân: Kính trọng, lễ phép, trung thực, yêu thương.
4. Ứng xử với khách đến cơ sở giáo dục: Tôn trọng, lễ phép
Điều 9. Ứng xử của cha mẹ người học
1. Ứng xử với người học: Ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng, chia sẻ, khích lệ, thân thiện, yêu thương. Không xúc phạm, bạo lực.
2. Ứng xử với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên: Tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, chia sẻ. Không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm.
Điều 10. Ứng xử của khách đến cơ sở giáo dục
1. Ứng xử với người học: Ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng, thân thiện. Không xúc phạm, bạo lực.
2. Ứng xử với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên: Đúng mực, tôn trọng. Không bịa đặt thông tin. Không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm.
IV. NỘI DUNG CỤ THỂ
   1. Quy định về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống
  1.1. Phẩm chất chính trị:
    Nhận thức và chấp hành nghiêm chỉnh chủ trư­ơng, đ­ường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trung thành với mục tiêu lý tưởng cách mạng Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
   Có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ; thực hiện đúng các quy định về chuyên môn, nội quy, quy chế làm việc của nhà trường.
   Bảo vệ bí mật nhà nước; giữ gìn và bảo vệ của công, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản được giao.
   Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng.
  Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ lý luận chính trị, vận dụng vào hoạt động giảng dạy, giáo dục và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
   Có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm sự điều động, phân công của tổ chức; có ý thức tập thể, phấn đấu vì lợi ích chung.
   Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội tại nơi ở, nơi làm việc.
           1.2. Đạo đức nghề nghiệp
   Cán bộ công chức, viên chức, người lao động tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.
  Tâm huyết với nghề, yêu thương trẻ, có ý thức giữ gìn danh dự, phẩm chất, uy tín, l­ương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, th­ương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với trẻ và đồng nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của trẻ, đồng nghiệp; kiên quyết đấu tranh chống những hiện tượng bè phái, cửa quyền, quan liêu và các hành vi vi phạm dân chủ, kỷ cương, nề nếp trong trường. Thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí.
  Tận tụy với công việc; thực hiện đúng các hành vi giáo viên, nhân viên không được làm theo quy định của Điều lệ trường mầm non, quy chế, nội quy của nhà trư­ờng, của ngành. Chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ theo đúng nội dung, chương trình giáo dục mầm non.
Công bằng trong chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, đánh giá đúng thực chất năng lực của trẻ. Trung thực, thẳn thắn trong báo cáo, đánh giá.
   Thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc.
   Tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
   Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật; không gây khó khăn, phiền hà đối với phụ huynh, nhân dân. 
  Không trù dập, chèn ép và có thái độ thiên vị, phân biệt đối xử, thành kiến với người học; không tiếp tay, bao che cho những hành vi tiêu cực trong giảng dạy, học tập, rèn luyện của trẻ và đồng nghiệp. Không có hành vi thô bạo: đánh đập, doạ nạt, quát mắng, lăng mạ, đay nghiến, chà đạp, làm tổn thương đến tinh thần, thể xác của trẻ.
   Không hút thuốc lá, uống rượu, bia trong công sở, không tham gia đám cưới, hỏi, liên hoan....trong giờ hành chính, không đánh cờ ăn tiền dưới mọi hình thức.
    Không gây bè phái, cục bộ địa phương, làm mất đoàn kết trong tập thể và trong sinh hoạt tại cộng đồng.
    Không được sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền, phổ biến những nội dung trái với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước
  .Không trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ lớp, bỏ giờ, bỏ buổi dạy, cắt xén, dồn ép chương trình, làm ảnh hưởng đến kỷ cương, nề nếp của nhà trường.
   Không tổ chức, tham gia các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội như: mại dâm, ma tuý, mê tín, dị đoan; không sử dụng, lưu giữ, truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy, độc hại.
          1.3. Lối sống, tác phong
Có nếp sống lành mạnh, trung thực, có ý chí vượt khó vươn lên, có tinh thần phấn đấu với động cơ trong sáng và tư duy sáng tạo; thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh.
Sống có lý tư­ởng cách mạng, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, có lòng yêu quê hương, đất nước.
Có lối sống hoà nhập với cộng đồng, phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc và thích ứng với sự tiến bộ của xã hội; biết khuyến khích những biểu hiện của lối sống văn minh, tiến bộ và phê phán những biểu hiện của lối sống lạc hậu, ích kỷ.
Tác phong làm việc nhanh nhẹn, khẩn trương, khoa học, tận tình, chu đáo.
Có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ;
 tích cực đấu tranh, ngăn chặn những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật và các quy định đạo đức nghề nghiệp.
Chăm lo xây dựng gia đình văn hoá, thư­ơng yêu, quý trọng lẫn nhau; biết quan tâm đến những người xung quanh.
Trang phục: phải giản dị, gọn gàng, lịch sự, phù hợp với nghề dạy học mầm non, không loè loẹt, rườm rà gây phản cảm.
   1.4.Những việc cán bộ, viên chức, nhân viên không được làm:
Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công.
Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật.
 Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội.
Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của đồng nghiệp.
   2. Quy định trong giao tiếp, ứng xử
   2.1. Giao tiếp với đồng nghiệp
Trong giao tiếp ở công sở, cán bộ, công chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng đồng nghiệp; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc.
Cán bộ, công chức phải có tác phong lịch sự; giữ gìn uy tín, danh dự cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đồng nghiệp; lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp; công bằng, vô tư, khách quan khi nhận xét, đánh giá; thực hiện dân chủ và đoàn kết nội bộ.
Trong quan hệ đồng nghiệp, cán bộ, viên chức, nhân viên phải chân thành, thân thiện, nhiệt tình, bảo đảm sự đồng thuận, đoàn kết vì sự nghiệp giáo dục và danh dự của nhà giáo
.2.2. Trong hội họp, sinh hoạt tập thể
Phải nắm được nội dung, chủ đề cuộc họp, Hội thảo, Hội nghị; chủ động chuẩn bị tài liệu và ý kiến phát biểu. Giữ trật tự, tập trung theo dõi, nghe, ghi chép các nội dung cần thiết; không nói chuyện và làm việc riêng….; không bỏ về trước khi kết thúc cuộc họp, không ra vào, đi lại tuỳ tiện trong phòng họp. Phát biểu ý kiến theo điều hành của Chủ toạ hoặc Ban tổ chức.
Phát biểu trong cuộc họp, hội nghị, hội thảo: phải đúng nội dung, đảm bảo tính nghiêm túc, dân chủ, thẳng thắn. Các thành viên dự họp được quyền tham gia thảo luận, tham gia ý kiến khi chủ tọa cho phép, không nói chuyện tự do,  không làm việc riêng.
Kết thúc cuộc họp: Để khách mời, lãnh đạo cấp trên ra trước, không xô đẩy, chen lấn, dọn dẹp lại chỗ ngồi (bỏ ghế vào ngăn bàn)
   2.3.  Những bất đồng, mâu thuẫn
Khi có vấn đề bất đồng quan điểm ban giám hiệu phải có thái độ bình tĩnh nhẹ nhàng, không phát ngôn lời lẽ thiếu văn hoá, lăng mạ đồng nghiệp.
 Khi giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn phải đảm bảo từ tốn, có lý, có tình, không kiêu căng, thách thức, hách dịch, đe doạ cấp dưới, phải giải quyết dứt điểm; đóng góp ý mang tính xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết, biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến.
 Luôn có ý thức tôn trọng đồng nghiệp, giữ gìn uy tín cho đồng nghiệp. Không xúc phạm đến danh dự, nhân cách đồng nghiệp. Phê bình, góp ý đúng lúc đúng chỗ, đúng người, đúng tội.
Cán bộ công chức, viên chức và người lao động kịp thời trao đổi, đề xuất với lãnh đạo cấp trên khi có những tình huống bất thường xảy ra. Báo cáo trình bày sự việc phải trung thực và chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo; không mượn việc công để nói xấu đồng nghiệp.
   2.4. Sử dụng điện thoại,  Intenet
 Sử dụng điện thoại phải chuẩn bị nội dung cần trao đổi (ngắn gọn, rõ ràng) và xưng hô lịch thiệp, từ tốn, âm lượng vừa đủ nghe, không làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Chỉ sử dụng điện thoại vào đúng mục đích công việc chung của đơn vị. Không sử dụng vào việc riêng.
Không lạm dụng điện thoại khi đang tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Trong các cuộc họp không để chuông điện thoại làm ảnh hưởng đến người xung quanh.
Sử dụng Intenet: Thực hiện nghiêm túc quy định về Quy chế văn thư, lưu trữ của nhà trường “viết tin bài và chuyển cho hiệu trưởng duyệt trước khi đăng vào trang web của trường, của ngành”; Không sử dụng Jacebook để trao đổi, mua hàng trong giờ làm việc; bình luận, chia sẻ thông tin làm ảnh hưởng đoàn kết nội bộ hoặc đưa tin bài ảnh hưởng đến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
   2.5. Khi tiếp đón khách, tiếp dân
Khi đón, tiếp khách đến thăm, làm việc:  Chào hỏi ân cần, niềm nở, lịch sự. Bày tỏ thái độ tôn trọng khách, mến khách, vui vẻ, khéo léo, chu đáo, không khúm núm, sợ sệt.
Khi tiếp phụ huynh học sinh, người đến liên hệ công việc: Chào hỏi đón tiếp thân mật, niềm nở, thân tình, chỉ dẫn, hướng dẫn tận tình. Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của phụ huynh, của người đến liên hệ công việc.
 Giải đáp ý kiến cuả phụ huynh và người đến liên hệ công việc kịp thời, không gây phiền hà, sách nhiễu. Nếu nội dung công việc không trong thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì hướng dẫn phụ huynh và người đến liên hệ công việc trình lên cấp trên có thẩm quyền giải quyết.
  2.5. Ứng xử giữa cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh
Cán bộ, giáo viên, nhân viên ứng xử thân thiện, hòa nhã, công tâm, công bằng, khách quan với trẻ, không phân biệt kì thị. Luôn đặt tình thương yêu và trách nhiệm lên hàng đầu đối với trẻ, luôn là tấm gương sáng, mẫu mực cho trẻ noi theo.
Biết lắng nghe và cùng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, giúp đỡ quan tâm các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
   V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
  1. Đối với Ban giám hiệu nhà trường:
Xây dựng Quy tắc ứng xử, công khai Quy tắc này tại trang web của trường và quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc đúng các quy định. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện Quy tắc ứng xử.
Việc thực hiện Quy tắc ứng xử được lồng vào các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; đánh giá, kiểm điểm của từng cán bộ, công chức, viên chức thông qua các đợt sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, kiểm tra, đánh giá xếp loại thi đua, đánh giá xếp loại công chức, viên chức, đánh giá xếp loại chuẩn nghề nghiệp.
   2. Đối với Ban chấp hành Công đoàn, Chi đoàn:
Động viên, đôn đốc, nhắc nhở đoàn viên thực hiện đúng Quy tắc ứng xử. Phát hiện và báo cáo kịp thời cho ban giám hiệu nhà trường và cấp có thẩm quyền về những hành vi vi phạm Quy tắc này của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
   3. Đối với Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động:
Nếu vi phạm các quy định tại Quy tắc này thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Trên đây là Quy tắc ứng xử trong trường mầm non Hoa Hồng và được áp dụng từ ngày 01/06/2019 , yêu cầu cán bộ công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm túc./
                                                                                                                             HIỆU TRƯỞNG
 
 
 
                                                                                                                                            Nguyễn Thị Nhàn
                                                                           
FB IMG 1542788882955
 
 
 
 

 

Tác giả: Nguyễn Nhàn

Nguồn tin: Nhà trường quyết tâm thực hiện nghiêm các quy định ứng xử trong trường học theo TT06/2019 BGD& ĐT và được triển khai cụ thể phù hợp với đặc thù nghành học cũng như tình hình tại đơn vị./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRƯỜNG MẦM NON HOA HỒNG
Địa chỉ: Tổ 9, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ
Điện thoại: 0915 500 898 - Email: mnhoahong2020@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây